NHẬP HỌC ONLINE
NHẬP HỌC ONLINE

Cơ hội rộng mở với học sinh trường nghề

Mặc dù, cánh cổng trường đại học vẫn là mong muốn và lựa chọn của nhiều bậc phụ huynh, học sinh trung học phổ thông hiện nay song trên thực tế, bằng sự thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động cùng sự quan tâm đầu tư ngày càng nhiều của các cấp ngành và toàn xã hội với công tác đào tạo nghề, cơ hội việc làm và thành công sớm cũng ngày càng rộng mở với học sinh trường nghề.

Thành công đến sớm

Tháng 4/2021, Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đón nhận tin vui “Việt Nam xuất sắc giành Huy chương Vàng cuộc thi nghề Cơ điện tử online châu Á – Thái Bình Dương”. Đối đầu với những đối thủ mạnh nhất thế giới về nghề cơ điện tử như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, hai sinh viên của đội tuyển Cơ điện tử Việt Nam đã thể hiện sự tự tin, kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh thi đấu của mình.

Quan sát đội tuyển qua hai ngày thi, ông Trương Ngọc Hoàng – Giám đốc giáo dục Công ty Festo, chuyên gia giám sát của Ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao kiến thức, kỹ năng, tốc độ xử lý của các thí sinh Việt Nam. “Các em nhanh hơn rất nhiều so với các đối thủ hàng đầu thế giới. Chiến thắng của đội tuyển Việt Nam hoàn toàn xứng đáng và thuyết phục”, chuyên gia Trương Ngọc Hoàng cho biết.

Đội tuyển Việt Nam xuất sắc giành Huy chương Vàng Cuộc thi Kỹ năng nghề Cơ điện tử online châu Á – Thái Bình Dương tháng 4/2021.

Cũng theo ông Trương Ngọc Hoàng, với chiến thắng này, các thí sinh của đội tuyển Việt Nam đã khẳng định được kiến thức, khả năng, kỹ năng ở châu Á. Các em sẽ có cơ hội tranh tài tại Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới dự kiến diễn ra tại Thượng Hải, Trung Quốc năm 2022 đồng thời, với kết quả đạt được, các thí sinh cũng sẽ có được thương hiệu cá nhân, thuận lợi cho quá trình tìm việc làm hoặc học tiếp lên sau này. “Hồ sơ năng lực tốt là yếu tố thuận lợi để các em có cơ hội việc làm tại các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài FDI. Các em cũng sẽ có cơ hội được Festo tuyển dụng”, chuyên gia Trương Ngọc Hoàng thông tin.

Một điển hình khác cho sự thành công của sinh viên trường nghề là câu chuyện của Trương Thế Diệu – sinh viên Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội. Diệu là người đầu tiên của Việt Nam giành Huy chương bạc Kỳ thi tay nghề thế giới vào tháng 8/2019 với nghề phay CNC, được trao Huân chương Lao động hạng Nhì khi chưa tốt nghiệp; đồng thời là một trong 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh bình chọn…

Nhờ thành tích học tập vượt trội và kinh nghiệm thi đấu tại nhiều kỳ thi tay nghề, ngay từ khi chưa tốt nghiệp, Trương Thế Diệu đã được Công ty Trách nhiệm hữu hạn DENSO Việt Nam mời về làm việc, đảm nhận vai trò hỗ trợ hướng dẫn, đào tạo các thí sinh chuẩn bị tham gia Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 46, dự kiến diễn ra tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào cuối năm 2021. Anh cũng là một trong 130 học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức tuyên dương lần đầu tiên năm 2020.

Trương Thế Diệu cho biết, trong quá trình học tập, anh luôn thôi thúc bản thân “phải gian nan rèn luyện để thành nghề”. Cứ thế, anh dành phần lớn thời gian trong ngày học tập, rèn nghề, nhằm nâng cao trình độ tay nghề cho bản thân và có thể hỗ trợ cho những người cùng chí hướng.

Với Trần Anh Tuấn (sinh viên Cao đẳng Công nghệ ô tô khóa 12, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ), việc lựa chọn học nghề cũng là một lựa chọn đúng đắn. “Khi tốt nghiệp trung học phổ thông, em cũng đã nghĩ sẽ lựa chọn con đường thi vào đại học.

Tuy nhiên, nhìn thấy thực tế từ nhiều anh chị đi trước, tốt nghiệp đại học xong vẫn chật vật tìm việc làm. Quá trình làm việc cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, kỹ năng thực tiễn nên sau khi cân nhắc, em quyết định lựa chọn đi học nghề”, Trần Anh Tuấn cho biết. Tuấn chia sẻ thêm: “Quá trình học tại trường, chúng em được học kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Kiến thức lý thuyết được áp dụng ngay vào thực hành không chỉ giúp em thêm hứng thú với việc học mà còn giúp chúng em củng cố, ghi nhớ kiến thức vừa có thêm kỹ năng thực tiễn”.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ với tấm bằng loại giỏi, Trần Anh Tuấn cùng với những sinh viên có kết quả học tập, rèn luyện, có chí hướng phấn đấu đã được nhà trường mời ở lại trường. Nhà trường cho biết sẽ có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng các em trở thành giảng viên của trường. Trần Anh Tuấn chia sẻ, đây là niềm vinh dự, tự hào đối với bản thân Tuấn, cũng là điều kiện thuận lợi để em có cơ hội được đứng trên bục giảng, truyền đạt những kiến thức, kỹ năng nghề học được cho các thế hệ đi sau.

Rộng mở tương lai

Trên báo chí, những tấm gương thành công với học nghề ngày càng nhiều. Đặc biệt, từ năm 2020, hàng năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức Lễ tuyên dương các tấm gương học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tôn vinh, lan tỏa giá trị của học nghề.

Những tấm gương thành công mà khởi nguồn không bắt đầu bằng con đường đại học cũng là yếu tố then chốt để từng bước xây dựng niềm tin cho học sinh và phụ huynh về lựa chọn học nghề. Bản thân các em học sinh, sinh viên trải qua quá trình học nghề đã dần nhận ra giá trị của học nghề và vững tin hơn với lựa chọn của mình.

“Với em, thành công hiện tại không phải là thành tích ở các cuộc thi, không phải sự kiêng nể của bạn bè, không hẳn là sự tự hào của bản thân và gia đình, thầy cô… mà chính là bản thân đã chọn đi đúng hướng, thay đổi tư duy đúng thời điểm”, em Nguyễn Đắc Huynh (học sinh hệ 9+, giải Nhất kỳ thi Kỹ năng nghề thành phố Hà Nội 2020, Huy chương Đồng kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia năm 2020 nghề lắp cáp mạng thông tin) chia sẻ.

Nhiều học sinh trường nghề thì khẳng định, các em nhận thức rõ rằng đại học không phải là cánh cửa duy nhất để vào đời. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, các em đã mạnh dạn chọn học một nghề mà mình yêu thích với niềm tin rằng, có nghề sẽ có tương lai.

Với phương châm đào tạo coi trọng chất lượng, nhiều cơ sở đào tạo nghề cũng đã củng cố niềm tin và chứng minh cho các học sinh sinh viên thấy, các em sẽ thành công trong tương lai với tay nghề vững chắc, có kĩ năng nghề và các kĩ năng khác đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Theo nhiều chuyên gia tuyển dụng, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ngày càng cao, đặc biệt là lao động có tay nghề được đào tạo bài bản tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chất lượng tốt. Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp nhiều năm qua cũng đã trở thành chiến lược quan trọng trong công tác đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Câu chuyện “đi học có lương, ra trường có việc” không còn là chuyện hiếm trong lĩnh vực học nghề.

Theo Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, năm học 2021 là năm thứ 9 liên tục, Cao đẳng Cơ điện Hà Nội thực hiện việc ký kết cam kết việc làm với học sinh sinh viên. Trường cũng cam kết với sinh viên, mức lương khởi điểm với chương trình đào tạo chung đại trà của sinh viên sau khi ra trường là từ 6 – 7 triệu đồng, với chương trình đào tạo chất lượng cao thì mức lương khởi điểm tối thiểu 10 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế khảo sát tại các phiên ngày hội việc làm cho thấy, mức lương doanh nghiệp đưa ra cho sinh viên của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cao hơn mức cam kết của nhà trường.

Những kết quả tích cực ban đầu của học sinh, sinh viên trường nghề trên con đường lập thân, lập nghiệp là minh chứng tích cực cho việc “có nghề sẽ có tương lai”, cũng như góp phần tôn vinh, lan tỏa giá trị của giáo dục nghề nghiệp./.

Nguồn: https://baomoi.com/co-hoi-rong-mo-voi-hoc-sinh-truong-nghe/c/39113181.epi?utm_source=iapp&utm_medium=zalomsg&utm_campaign=share